Đóng dấu
Tôi đã có một giấc mơ khủng khiếp. Tôi không thắc mắc quá nhiều về giấc mơ, nhưng tôi tự hỏi làm thế nào mà mình có đủ can đảm để mơ về những điều khủng khiếp như thế, trong khi tôi là một công dân thầm lặng và đáng kính, một đứa con ngoan ngoãn của người mẹ Serbia thân yêu và đau khổ, giống như tất cả những đứa con khác của bà. Tất nhiên, bạn biết đấy, nếu tôi là một ngoại lệ thì sẽ khác, nhưng không, bạn thân mến ơi, tôi giống hệt như bao người khác, và cẩn thận trong mọi thứ, không ai có thể sánh được với tôi ở phương diện này. Khi nhìn thấy chiếc nút sáng bóng trên bộ đồng phục cảnh sát trên đường, tôi nhìn chằm chằm vào ánh sáng kỳ diệu đó khi gần như băng qua nhau, đầy những hồi ức ngọt ngào, thế rồi đột nhiên, tay tôi bắt đầu run rẩy và giơ lên chào; đầu tôi cúi xuống đất và miệng nở nụ cười đáng yêu mà tất cả chúng tôi đều cười khi chào hỏi cấp trên.
— Dòng máu cao quý chảy trong huyết quản tôi — chính là như thế! — Đây là những gì tôi nghĩ lúc đó và tôi tỏ vẻ khinh bỉ nhìn kẻ tàn bạo đi qua, bất cẩn dẫm lên cái nút.
— Một tên thú vật! — Tôi nói đầy cay đắng rồi khạc nước bọt, lặng lẽ bước đi, an ủi với ý nghĩ rằng những tên thú vật như vậy có rất ít trên đời; và tôi đặc biệt vui mừng vì Chúa đã ban cho tôi một trái tim tinh tế và dòng máu hào hiệp, cao quý của tổ tiên.
Chà, giờ đã thấy tôi là người đàn ông tuyệt vời thế nào, không khác gì những công dân đáng kính khác, rồi bạn sẽ giống tôi vô cùng băn khoăn tại sao những điều tồi tệ và ngu ngốc như vậy có thể xảy ra trong giấc mơ của tôi.
Không có gì bất thường xảy ra với tôi ngày hôm đó. Tôi đã có một bữa tối ngon miệng và sau đó nhàn hạ ngồi xỉa răng; nhấm nháp chút rượu, và sau khi đã sử dụng quyền công dân một cách dũng cảm và tận tâm như vậy, tôi đi ngủ và đem theo một cuốn sách để vào giấc nhanh hơn.
Cuốn sách sớm tuột khỏi tay tôi, dĩ nhiên sau khi đã thỏa mãn ham muốn của tôi và khi tất cả nhiệm vụ khác đã hoàn thành, tôi ngủ thiếp đi như một con cừu non trong sáng.
Ngay lập tức tôi thấy mình trên một con đường nhỏ hẹp, lầy lội dẫn qua núi. Một đêm đen lạnh lẽo. Cơn gió hú lên giữa những cành cây cằn cỗi và cắt như dao cạo mỗi khi chạm vào làn da trần trụi. Bầu trời đen kịt, câm lặng và đe dọa, hạt tuyết như những hạt bụi thổi vào mắt và đập vào mặt tôi. Không thấy đâu hiệu của linh hồn sống nào cả. Tôi vội vã đi và chốc chốc trượt ngã trên con đường lầy lội lúc thì sang trái, lúc thì sang phải. Tôi lảo đảo và ngã xuống rồi cuối cùng lạc đường, tôi cứ lang thang — Chúa biết đây là đâu — và đó chẳng phải là một đêm ngắn ngủi bình thường, mà dài như một thế kỷ, tôi đi bộ mãi mà không biết mình đang ở đâu.
Cho nên tôi cứ đi mãi nhiều năm trời đến một nơi nào đó xa, rất xa quê hương của tôi, một nơi xa lạ của thế giới, một vùng đất xa lạ mà có lẽ không ai biết đến và tôi chắc chắn chỉ có thể nhìn thấy trong những giấc mơ.
Đi vào vùng đất này tôi đến một thị trấn lớn có rất đông người sinh sống. Trong khu chợ lớn có một đám đông khổng lồ, vang lên tiếng ồn khủng khiếp đủ để chọc thủng màng nhĩ. Tôi vào một quán trọ hướng mặt ra khu chợ và hỏi chủ nhà tại sao rất nhiều người đang tập hợp lại đằng kia…
— Chúng tôi là những người yên tĩnh và đáng kính, — ông ta bắt đầu câu chuyện, – chúng tôi trung thành và vâng lời thị trưởng.
— Thị trưởng là cơ quan tối cao của mọi người sao? — Tôi hỏi, ngắt lời ông ta.
— Thị trưởng kiểm soát nơi đây và là cơ quan tối cao của chúng tôi; tiếp đến là cảnh sát.
Tôi bật cười.
— Sao quý khách lại cười?… Ngài không biết sao?… Ngài từ đâu đến?
Tôi kể rằng mình bị lạc đường, và tôi đến từ một vùng đất xa xôi — Serbia.
— Mình đã nghe về đất nước nổi tiếng đó! — chủ nhà trọ tự nhủ, nhìn tôi với sự tôn trọng, và sau đó ông ta nói lớn:
— Ở đây là thế, — ông ta tiếp tục, — Thị trưởng kiểm soát nơi đây cùng lực lượng cảnh sát.
— Cảnh sát ở đây như thế nào?
— Chà, có nhiều loại cảnh sát khác nhau—họ khác nhau, được phân chia theo thứ hạng. Có những người nổi bật và người ít nổi bật hơn… Chúng tôi ấy mà, ngài biết đấy, là những người trầm tính và đáng kính, nhưng có đủ kẻ du thủ du thực đến từ các khu phố, chúng làm hư chúng tôi và dạy chúng tôi những điều xấu xa. Để phân biệt từng công dân chúng tôi với những kẻ đó, hôm qua Thị trưởng đã ra lệnh rằng tất cả công dân chúng tôi hãy đến Tòa án địa phương, tại đó mỗi người chúng tôi sẽ được đóng dấu lên trán. Cho nên rất nhiều người tụ lại với nhau: để được tư vấn xem phải làm gì.
Tôi rùng mình và nghĩ rằng mình nên chạy trốn khỏi vùng đất kỳ lạ này càng nhanh càng tốt, bởi vì tôi, mặc dù là người Serb, cũng không quen được với việc thể hiện tinh thần hào hiệp như vậy, và tôi hơi bất an về điều đó!
Chủ nhà trọ cười nhân từ, vỗ vai tôi và nói một cách tự hào:
— Ôi ngài khách à, thế này đã đủ doạ ngài sợ rồi sao? Chẳng trách, ngài phải đi một chặng đường dài để tìm kiếm sự can đảm như của chúng tôi!
— Và ý của ông là gì? — Tôi rụt rè hỏi.
— Hỏi hay đấy! Ngài sẽ thấy chúng tôi dũng cảm như thế nào. Tôi đã bảo rồi, ngài còn phải đi một chặng đường dài mới tìm thấy lòng can đảm như của chúng tôi. Ngài đã đi xa và nhìn ngắm thế giới, nhưng tôi chắc chắn ngài chưa bao giờ thấy những anh hùng vĩ đại hơn chúng ta. Ta hãy đến đó cùng nhau. Tôi phải nhanh lên mới được.
Chúng tôi vừa định đi thì nghe thấy trước cửa một tiếng roi vụt.
Tôi liếc nhìn: một cảnh tượng ngoạn mục—một người đàn ông với chiếc mũ ba sừng sáng ngời trên đầu, mặc một bộ đồ lòe loẹt, đang cưỡi trên lưng một người đàn ông khác trong bộ quần áo dân thường nhưng có vẻ rất đắt tiền. Anh ta dừng lại trước nhà trọ và bước xuống.
Chủ nhà trọ đi ra ngoài, cúi đầu sát đất, rồi người đàn ông trong bộ đồ lòe loẹt đi vào nhà trọ đến một chiếc bàn được trang trí đặc biệt. Người mặc bộ đồ dân thường ở yên trước cửa nhà trọ và chờ đợi. Chủ nhà trọ cũng cúi thấp đầu với người đó.
— Thế này là thế nào? — Tôi hỏi chủ nhà trọ, vô cùng hoang mang.
— Chà, người vừa vào nhà trọ là một cảnh sát có cấp bậc cao, và người đàn ông này là một trong những công dân nổi tiếng nhất của chúng tôi, rất giàu có, và là một người yêu nước vĩ đại, — chủnhà thì thầm.
— Nhưng sao anh ta lại để người kia cưỡi trên lưng mình?
Chủ nhà trọ lắc đầu với tôi và chúng tôi bước sang một bên. Ông ta nở nụ cười khinh bỉ và nói:
— Chúng tôi coi đó là một vinh dự lớn xứng đáng hiếm hoi! — Ông ấy còn nói với tôi rất nhiều điều tuyệt vời cùng với đó, nhưng tôi rất phấn khích đến nỗi không vào đầu. Nhưng tôi đã nghe khá rõ những lời cuối ông ấy nói: — Đó là dịch vụ quốc gia của công dân mà mọi quốc gia khác vẫn chưa biết coi trọng!
—
Chúng tôi đến cuộc họp thì họ đang tiến hành bầu cử chủ tịch.
Nhóm đầu tiên đề cử một người đàn ông tên Kolb, nếu tôi nhớ đúng tên, là ứng cử viên cho chiếc ghế đó; nhóm thứ hai đề cử Talb và nhóm thứ ba có ứng cử viên riêng.
Có sự bối rối đáng sợ; mỗi nhóm muốn thúc tiến người của riêng mình.
— Tôi nghĩ không có ai tốt hơn Kolb cho vị trí chủ tịch của một cuộc họp quan trọng như vậy, — một giọng nói cất lên từ nhóm đầu tiên, — bởi vì tất cả chúng ta đều biết rất rõ đức tính là một công dân và can đảm tuyệt vời của ông ấy. Tôi không nghĩ có ai trong chúng ta ở đây có thể tự hào vì đã thường xuyên được cưỡi những người tầm cỡ hơn ông ấy…
— Anh là ai mà có quyền nói hả, — ai đó hét lên từ nhóm thứ hai. — Anh còn chưa bao giờ được một nhân viên cảnh sát cấp thấp nào cưỡi lên!
— Chúng tôi biết anh có đức tính gì, — ai đó từ nhóm thứ ba thét lên. — Anh có bao giờ chịu được một roi mà không gào lên đâu!
— Hãy thẳng thắn với nhau nào, các anh em! — Kolb lên tiếng. — Đúng là những người tầm cỡ đã cưỡi trên lưng tôi sớm nhất là mười năm trước; họ quất tôi và tôi không bao giờ khóc, nhưng cũng có thể có nhiều người xứng đáng hơn trong số chúng ta. Có lẽ có những người trẻ tốt hơn.
— Không, không, — những người ủng hộ ông kêu khóc.
— Chúng tôi không muốn nghe lời cấp cao lỗi thời nói đâu! Đã mười năm rồi từ khi Kolb được cưỡi, – những người nhóm thứ hai hét lên.
— Lớp trẻ có ưu thế, sóng sau xô sóng trước, — ai đó từ nhóm thứ ba nói với lên.
Đột nhiên không còn tiếng ồn nữa; mọi người lùi lại, dịch sang trái và phải để dẹp đường và tôi thấy một chàng trai trẻ khoảng ba mươi tuổi. Khi anh ta đến gần, tất cả cúi đầu xuống thấp.
— Đó là ai? — tôi thì thầm hỏi chủ nhà trọ.
— Cậu ta là nhà lãnh đạo nổi tiếng. Một chàng trai trẻ, nhưng rất hứa hẹn. Từ những ngày còn trẻ cậu ta đã tự hào vì đã mang Thị trưởng trên lưng ba lần. Cậu ta nổi tiếng hơn bất kỳ ai khác.
— Có lẽ họ sẽ bầu cho cậu ta? — Tôi hỏi.
— Chắc chắn quá rồi, bởi vì đối với tất cả các ứng cử viên khác – tất cả họ đều đã lớn tuổi, thời gian đã khắc dấu lên họ, mà mới hôm qua Thị trưởng vừa cưỡi cậu ta một lúc.
— Tên cậu ta là gì?
— Kleard.
Họ dành cho cậu ta một chỗ trang trọng.
— Theo tôi, — giọng Kolb phá vỡ bầu không khí yên lặng, — ta không thể tìm thấy một ai khác cho vị trí này tốt hơn Kleard. Cậu ấy còn trẻ, nhưng không ai trong số lớn tuổi chúng tôi có thể sánh với cậu ấy.
— Đã rõ, đã rõ!… Kleard vạn tuế!… — tất cả đồng thanh.
Kolb và Talb đưa cậu ta tới vị trí dành cho chủ tịch. Mọi người cúi đầu thật sâu, và im lặng.
— Cảm ơn các anh em, vì sự quan tâm sâu sắc của các anh em và vinh dự này mà mọi người đã nhất trí ban tặng cho tôi. Hy vọng của anh em đặt vào tôi bây giờ là quá tâng bốc. Thật không dễ dàng để điều khiển con tàu mơ ước của quốc gia trong những ngày trọng đại như vậy, nhưng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo đảm cho sự tin tưởng của các anh em, thể hiện trung thực ý kiến của các anh em và xứng đáng với sự quan tâm cao mọi người dành cho tôi. Cảm ơn các anh em đã bầu tôi.
— Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô! — cử tri reo lên ầm ầm từ mọi phía.
— Và bây giờ, các anh em, cho phép tôi nói vài lời về sự kiện quan trọng này. Không dễ để chịu đựng những nỗi đau, những dằn vặt như vậy đang chờ sẵn; thật chẳng dễ dàng gì mà giơ trán ra chịu bỏng từ sắt nóng. Thật vậy, không – chúng là những nỗi đau mà không phải người đàn ông nào cũng có thể chịu đựng được. Hãy mặc những kẻ hèn nhát run rẩy, hãy mặc chúng sợ hãi, còn chúng ta không được quên trong giây lát rằng chúng ta là con trai của tổ tiên dũng cảm, dòng máu cao quý đó chảy trong huyết quản của chúng ta, dòng máu anh hùng của những người ông, những hiệp sĩ vĩ đại đã từng chết mà không hề chớp mắt vì tự do và vì lợi ích của tất cả chúng ta, con cháu của họ. Sự đau khổ của chúng ta, nếu so với sự đau khổ của họ, là quá nhẹ nhàng – chúng ta sẽ cư xử như thành viên của một đám người thoái hóa và hèn nhát trong khi ta đang sống tốt hơn bao giờ hết ư? Từng người yêu nước chân chính, tất cả những ai không muốn khiến đất nước phải xấu hổ trước tất cả thế giới, sẽ chịu đựng nỗi đau này như một người đàn ông và một anh hùng.
— Đã rõ! Đã rõ! Kleard vạn tuế!
Có một số diễn giả nhiệt thành sau Kleard; họ khuyến khích những người sợ hãi và lặp đi lặp lại ít nhiều những gì Kleard đã nói.
Sau đó, một ông già gầy gò, với khuôn mặt nhăn nheo, tóc và râu trắng như tuyết, yêu cầu được lên tiếng. Đầu gối ông run lên vì tuổi tác, đôi tay run rẩy, lưng ông còng xuống. Giọng ông khàn khàn, đôi mắt lấp lánh những giọt nước mắt.
— Các cháu, — Ông bắt đầu, với những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhợt nhạt, nhăn nheo và rơi xuống bộ râu trắng, — Ông khốn khổ và rồi sẽ chết sớm thôi, nhưng ông thấy rằng các cháu không nên cho phép nỗi hổ thẹn đó áp lên mình. Ông một trăm tuổi rồi, và ông đã sống cả đời mà không cần đóng dấu!… Tại sao bây giờ phải ấn con dấu nô lệ lên mái đầu trắng mệt mỏi của ông chứ?…
— Đả đảo lão già bất lương! – Chủ tịch gào lên.
— Đả đảo lão! — những người khác hét lên.
— Lão già hèn nhát!
— Không những không khuyến khích ngươig trẻ, lão còn làm mọi người sợ hãi!
— Lão nên xấu hổ về mái tóc hoa râm của lão! Lão đã sống đủ lâu mà vẫn còn sợ hãi – chúng ta, những người trẻ tuổi hơn luôn can đảm hơn…
— Đả đảo lão hèn nhát!
— Quăng lão ra!
— Đả đảo lão!
Một đám đông những người trẻ yêu nước dũng cảm giận dữ xông vào ông già và bắt đầu đẩy, kéo và đá ông trong cơn thịnh nộ.
Họ cuối cùng để ông đi vì đã lớn tuổi – nếu không họ sẽ ném đá ông đến chết.
Tất cả họ đều cam kết ngày mai sẽ dũng cảm và thể hiện mình xứng đáng với danh dự và vinh quang của quốc gia.
Mọi người rời cuộc họp theo lề lối trật tự. Khi sắp chia tay họ nói:
— Ngày mai ta sẽ biết ai là ai!
— Ta sẽ thấy rõ ai là thùng rỗng kêu to!
— Đã đến lúc người xứng đáng tách mình khỏi những người không xứng đáng, để mọi kẻ bất lương không thể ba hoa về trái tim dũng cảm!
—
Tôi trở lại nhà trọ.
— Ngài đã thấy chúng tôi được sinh ra cùng gì chưa? — chủ nhà trọ hỏi tôi một cách tự hào.
— Hẳn là rồi, — Tôi máy móc trả lời, cảm thấy sức mạnh đã rời bỏ cơ thể và đầu tôi đang ù lên với những ấn tượng lạ.
Trong chính ngày đó tôi đọc được trên tin tức của họ một bài báo có tiêu đề như sau:
— Hỡi các công dân, đã đến lúc dừng khoe khoang và vênh váo vô ích giữa chúng ta; đã đến lúc ngừng chau chuốt những ngôn từtrống rỗng mà ta sử dụng để truyền bá nhằm thể hiện những đức tính và công lao tưởng tượng của chúng ta. Đã đến lúc, hỡi các công dân, để thử thách lời nói của chúng ta và cho thấy ai thực sự xứng đáng và ai không! Nhưng ta tin rằng trong chúng ta không có những kẻ hèn nhát đáng xấu hổ, những người sẽ bị buộc đưa đến nơi đóng đâu được chỉ định. Mỗi người trong chúng ta, những ai cảm thấy trong huyết quản của mình là giọt máu cao quý của tổ tiên hãy đấu tranh để trở thành một trong những người đầu tiên chịu đựng nỗi đau và thống khổ, tự hào và lặng lẽ, vì đây là nỗi đau thánh thiện, đó là sự hy sinh vì lợi ích của đất nước và vì phúc lợi của tất cả chúng ta. Tiến lên, hỡi các công dân, cho ngày mai là ngày thử thách cao quý!…
—
Chủ nhà trọ của tôi đã đi ngủ ngay hôm đó sau cuộc họp để hôm sau đến nơi chỉ định sớm nhất có thể. Thế nhưng nhiều người khác còn đi thẳng đến Tòa thị chính để càng gần đầu hàng càng tốt.
Ngày hôm sau tôi cũng đến Tòa thị chính. Mọi người đều ở đó – trẻ và già, nam và nữ. Một vài bà mẹ bế con nhỏ trong vòng tay để chúng có thể được ấn nhãn hiệu nô lệ, được coi là danh dự, và từ đó sẽ có quyền cao hơn cho các vị trí cao trong công vụ.
Có vài pha xô đẩy và chửi thề (như thế họ khá giống người Serb chúng tôi, và không hiểu sao tôi vui mừng vì thế), và mọi người đều cố gắng là người đầu tiên đứng ngay cửa. Một số thậm chí còn nắm cổ người khác.
Người sẽ đóng dấu là một công chức đặc biệt mặc bộ đồ trắng trang trọng, người đó đang mắng chửi người dân:
— Đừng sốt ruột, vì Chúa, ai rồi cũng đến lượt — mọi người không phải là động vật, ta có thể xoay xở mà không cần xô đẩy nhau.
Đóng dấu bắt đầu. Một người kêu lên, một người khác chỉ biết rên rỉ, nhưng theo như khi tôi còn ở đó quan sát thì không ai có thể chịu đựng mà không kêu lên.
Không thể chịu đựng được sự tra tấn này quá lâu, nên tôi trở về nhà trọ, khi về thấy một số họ đã ở đó, đang ăn uống.
— Thế là xong! — một người lên tiếng.
— Chà, bọn mình không hét lên mấy, thế mà Talb gào lên như một con lừa!… — người khác nói.
— Ông thấy Talb của ông như nào rồi đấy, thế mà hôm qua ông còn muốn hắn lên làm chủ tịch cuộc họp.
— Ấy, thì ai mà ngờ chứ!
Họ nói chuyện, rên rỉ vì đau đớn và quằn quại, nhưng cố gắng che giấu nó với nhau, vì mỗi người đều xấu hổ nếu bị cho là hèn nhát.
Kleard ghê tởm chính mình, bởi cậu ta đã rên rỉ, và một người đàn ông tên Lear chính là anh hùng vì anh ta yêu cầu đóng tới hai con dấu lên trán mà không hề phát ra âm thanh đau đớn. Cả thị trấn đang bàn tán vô cùng tôn trọng về anh ta.
Một số bỏ chạy, nhưng bị mọi người coi thường.
Vài ngày sau, người có hai con trên trán bước đi ngẩng cao đầu, với phẩm giá và lòng tự trọng, đầy vinh quang và niềm tự hào, và bất cứ nơi nào anh ta đi, mọi người đều cúi đầu ngả mũ chào người anh hùng của ngày hôm đó.
Đàn ông, phụ nữ và trẻ em chạy theo anh ta trên đường để nhìn người đàn ông vĩ đại nhất đất nước. Bất cứ nơi nào anh đi đều phát ra lời thì thầm phát ra do kinh sợ: ‘Lear, Lear!… Là anh ấy kìa! Là người anh hùng không gào thét, người không phát ra âm thanh ào trong khi đóng hai con dấu lên trán!’ Anh ấy xuất hiện trên tiêu đề các tờ báo, được ca ngợi và tôn vinh.
Và anh đã xứng đáng với tình yêu của mọi người.
—
Khắp nơi tôi đều nghe những lời khen ngợi như vậy, và tôi bắt đầu cảm thấy dòng máu Serbia cổ xưa, quý phái chảy trong huyết quản mình, Tổ tiên của chúng tôi là những anh hùng, họ chết vì bị đóng cọc để chiến đấu cho tự do; chúng tôi cũng có quá khứ anh hùng và Kosovo của riêng mình. Tôi hồi hộp với niềm tự hào dân tộc và phù hoa, háo hức cho thấy dân tộc tôi dũng cảm như thế nào và lao đến Tòa thị chính và hét lên:
— Sao các người lại ca ngợi Lear?… Các người chưa từng thấy những anh hùng thực sự! Hãy đến và tự mình xem dòng máu Serbia cao quý như thế nào! Không phải là hai, mà hãy đóng mười con đâu lên đầu tôi!
Người công chức trong bộ đồ trắng đưa con dấu đến gần trán tôi thì tôi bắt đầu … tỉnh giấc.
Tôi xoa xoa trán mình trong sợ hãi và vượt qua chính mình, tự hỏi về những điều kỳ lạ xuất hiện trong giấc mơ.
— Mình suýt nữa thì làm lu mờ vinh quang gã Lear của họ, — tôi nghĩ hài lòng, rồi xoay người lại, tôi rất tiếc vì giấc mơ của mình chưa kết thúc trọn vẹn.
Tại Belgrade, 1899
Cho Dự án “Radoje Domanovic” được dịch bởi Lê Toàn, 2020